-10.4 C
Thành phố New York
Tháng Một 22, 2025
Tin Đại LongTin thời sự

Bài 1: Cú sốc của một thương hiệu lớn

Chuyện xây vượt tầng, sai quy hoạch của tập đoàn Mường Thanh lâu nay ai cũng biết. Chính vì thế mà Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố tháng 07/2019.

Nhưng việc gì ra việc nấy, không vì Ông Lê Thanh Thản bị khởi tố mà chính quyền có những hành xử sai lệch như vậy đối với công viên nước Thanh Hà. Và ngay cả câu chuyện ông Thản bị khởi tố thì cũng có nhiều điều cần phải nói tiếp.

Nhân dư luận đang bức xúc, xót xa về việc cưỡng chế phá hủy công viên nước Thanh Hà mà chủ đầu tư là tập đoàn Mường Thanh, tôi đã đọc lại các bài viết của mình. Và hôm nay, nghe tin Ông Lê Thanh Thản nói với cán bộ dưới quyền: “no đói có nhau” khi họ đề xuất cho người lao động nghỉ việc để xử lý thất thu của hệ thống 50 khách sạn đẳng cấp cao của Mường Thanh do đại dịch co vid – 19 gây nên. Tôi muốn dân mạng đọc loạt bài tôi đã viết tháng 9/2019: “Cú sốc của một thương hiệu lớn”

Đã nhiều tháng trôi qua, vụ khởi tố Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản còn rất nóng. Trên diễn đàn công luận, báo chí và mạng xã hội có nhiều phân tích, bình luận, nhận định về những vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh. Các ý kiến còn có nhiều đánh giá lệch pha, hoặc trái chiều nhau.

Lệch pha ở đây, hoặc là nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng, hoặc là lên án mạnh vi phạm của Ông Lê Thanh Thản, hoặc là coi vụ vi phạm Pháp luật về trật tự xây dựng của Mường Thanh không là gì so với nhiều vụ tham nhũng khác. Còn ý kiến trái chiều nhau ở đây, một hướng là ông Thản chỉ vi phạm hành chính, nhưng vi phạm nhiều lần nên phải chịu trách nhiệm hình sự, một hướng là ông Thản không chỉ là “lừa dối khách hàng” mà còn nhiều vi phạm khác, hãy chờ xem.

Vụ việc khi chưa có kết luận điều tra thì thái độ “chờ xem” là chuyện bình thường. Chờ xem là câu chuyện thuộc tâm lý xã hội, nhưng trách nhiệm của Nhà báo thì không thể “chờ xem”. Phân tích, bình luận, nêu vấn đề phản biện để tạo được sự đồng thuận trong xã hội về vụ việc theo chiều tích cực là thuộc chức năng của báo chí.

Công viên nước Thanh Hà bị phá hủy

Viết tiếp về vụ chủ tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố, mục đích chính là cung cấp thêm thông tin, để công chúng nhìn nhận vấn đề sâu hơn về một tập đoàn kinh tế tư nhân vì sao sai phạm, sai phạm trong một thời gian dài, ở nhiều dự án, hành vi sai phạm lặp đi lặp lại mà không được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Đồng thời cũng bàn thêm về đường lối xét xử như thế nào để vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa tạo điều kiện để tập đoàn Mường Thanh, sữa được sai, khắc phục được hậu quả, tiếp tục sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Nguyên nhân vi phạm

Trước hết phải khẳng định việc khởi tố Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh để điều tra những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng là cần thiết. Đây là hoạt động bình thường của cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Hành vi xây vượt tầng, xây sai quy hoạch của tập đoàn Mường Thanh là lý do dẫn đến sự kiện pháp lý nói trên. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sai phạm có hệ thống của Mường Thanh, không chỉ là xuất phát từ động cơ, mục đích, ý chí chủ quan của ông chủ tập đoàn. Đây là một nội dung quan trọng trong vụ án cần được làm rõ.

Vi phạm có sự “đồng hành” tiếp sức của cơ quan chức năng

Trong mấy thập kỷ gần đây, thường doanh nghiệp Việt nam muốn sản xuất kinh doanh có lợi nhuận phải mất một khoản chi phí mà đa số các nước trên thế giới không có.

Đó là chi phí quan hệ. Ngay khi chưa tiến hành sản xuất kinh doanh, mới khởi nghiệp, mới thành lập doanh nghiệp cũng phải chạy bằng tiền để có được cơ sở pháp lý cần thiết.

Khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp làm đúng chi phí ít, doanh nghiệp làm sai chi phí nhiều, doanh nghiệp sân sau, hoặc thân hữu quan chức có quyền thì chi phí theo kiểu ăn chia lợi nhuận…

Tất cả các chi phí này doanh nghiệp đều chi cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan có chức năng thẩm quyền quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí chi cho cả cơ quan điều tra, kiểm sát, báo chí… và cho cả người môi giới (nếu có). Thường người có quyền cao thì dược chi nhiều, người có quyền thấp thì được chi ít. Mức chi cụ thể nhiều hay ít tuỳ theo tính chất quan trọng của từng vị trí.

Đây là những chi phí không minh bạch, thường chỉ có thủ trưởng và nhân viên trực tiếp chi biết chi cho ai, bao nhiêu.

Các chi phí này có thể được thể hiện trên sổ sách, có thể được biến hoá bằng những khoản chi phí khác. Chi phí này thường diễn ra vào những lúc chạy dự án, đấu thầu, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, báo chí, hoặc lúc lễ, tết, chúc mừng nhân sự kiện…

Hình thành khu đô thị mới.

Nếu doanh nghiệp được bảo kê, “chống lưng” thì động lực chính của người “chống lưng”, bảo kê cũng từ khoản chi phí này.

Hoạt động để thực hiện các khoản chi gọi là “đối ngoại“ nói trên của doanh nghiệp đã trở thành thói quen, chuyện thường ngày, như là chuyện hiển nhiên đã tồn tại lâu nay.

Biết là chi sai, nhưng không sai không được. Doanh nghiệp không “chạy “ không chi, không chung thì không có lợi nhuận.

Nhiều người cho rằng, ở nước ta doanh nghiệp muốn tồn tại đứng vững và phát triển phải có quan hệ mật thiết với cơ quan chức năng và quan chức có quyền lực.

Làm giàu chính đáng rất khó. Doanh nghiệp là nơi giải quyết công ăn việc làm, tạo lập cuộc sống cho người lao động, tăng trưởng kinh tế của đất nước phụ thuộc vào doanh nghiệp, nguồn thuế nhà nước thu chủ yếu từ hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội cũng nhờ vào doanh nghiệp…

Vậy mà doanh nghiệp, doanh nhân phải chịu những áp lực không nhỏ từ phía các cơ quan công quyền. Ngoài việc lo toan điều hành bảo đảm làm ăn có hiệu quả, tránh được các rủi ro, hoá giải được những bất lợi, thì doanh nhân còn phải bận tâm tính toán, kết nối với quan chức, lo lót, bôi trơn, chung chi với các cán bô, công chức trong các cơ quan công quyền có chức trách nhiệm vụ liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn có lợi nhuận phải chấp nhận bước vào sân chơi, trong đó sân chơi đó mối quan hệ tiêu cực giữa doanh nhân và quan chức có quyền lực là mối quan hệ thân hữu thường xuyên không thể thiếu.

Nếu doanh nghiệp không biết cách nhập cuộc, không chịu chơi, không ăn rơ với cán bộ, công chức có chức năng liên quan thì dễ bị loại ra khỏi cuộc chơi, thậm chí là ra khỏi sân chơi. Sân chơi và cuộc chơi ở đây là vừa vì lợi ích của doanh nghiệp vừa bảo vệ lợi ích nhóm.

Trong môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam phải chịu nhiều áp lực như nêu ở trên thì Tập đoàn Mường Thanh cũng nằm trong sân chơi và phải tham gia các cuộc chơi kết nối, lóp bi với cán bộ, công chức được quyền “cai quản” từng phần hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong sân chơi với quan chức có quyền lực thì tập đoàn Mường Thanh có sự khác biệt với nhiều doanh nghiệp khác.

Ở Mường Thanh quan hệ tiêu cực với quan chức chỉ giới hạn trong việc cùng “đồng hành” để xây vượt tầng, xây sai quy hoạch.

Có thể nói tập đoàn Mường Thanh đã được cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng, cán bộ khác trong hệ thống quản lý nhà nước có trách nhiệm liên quan đã bật đèn xanh, thậm chí là có những trường hợp, những hạng mục công trình, những dự án đã thỏa thuận ngầm với nhau về việc xây dựng vượt tầng, xây không đúng quy hoạch.

Hàng chục năm, với hàng loạt sai phạm tiếp diễn của Mường Thanh làm sao cán bộ, công chức trong các cơ quan chức năng có thể chối bỏ trách nhiệm?

Tuy nhiên, trong dư luận cũng có người cho rằng, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản có những người chống lưng, có quyền lực rất lớn, nên nhiều khi cán bộ, công chức có trách nhiệm không thể làm khác dược. Và có nhiều lần cán bộ quận, phường, cơ quan quản lý xây dựng… muốn làm việc với chủ đầu tư, nhưng ông Lê Thanh Thản từ chối, không tiếp, thì làm sao cơ quan chức năng thể hiện được trách nhiệm của mình. Nói ra như vậy để rồi đổ vấy trách nhiệm cho doanh nghiệp, đây là một thái độ không phù hợp, thiếu khách quan, không thượng tôn pháp luật.

Là cán bộ, công chức, trong thực thi công vụ, trước hết phải làm đúng pháp luật của nhà nước. Nếu vì sự tác động, chi phối nào đó mà không làm, hoặc làm sai các quy định của pháp luật, cũng là vi phạm pháp luật.

Khi xem xét vi phạm này có thể coi yếu tố bị chi phối là tình tiết giảm nhẹ, còn không thể lấy câu chuyện ai đó chống lưng cho ông Lê Thanh Thản để rồi quên đi trách nhiệm của của những cán bộ, công chức đã “đồng hành “ với sai phạm của tập đoàn Mường Thanh.

Tâm điểm tìm kiếm lợi ích của nhiều quan chức

Phần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan chức năng đối với vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh cũng đã được thể hiện trong một số văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Và kết luận điều tra sắp tới của công an Hà nội, cơ quan khởi tố vụ án vi phạm của Mường Thanh sẽ được thể hiện rõ hơn.

Tuy nhiên, khi để cập đến nguyên nhân và tính logic của sai phạm cần phải xem xét thêm những tác động khác.

Có thể nói trong hoạt động đầu tư cho quan hệ, nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, Mường Thanh so với các tập đoàn kinh tế khác cũng không phải là ngoại lệ.

Chi phí của Mường Thanh không chỉ cho những cán bộ, công chức “đồng hành”, bật đèn xanh để “được phép” xây vượt tầng, xây sai quy hoạch, mà còn phải chi phí cho các quan hệ khác.

Điều dễ nhận ra, là Khi Tập đoàn Mường Thanh lớn lên, đây cũng là tâm điểm để hàng ngàn cán bộ trong các cơ quan công quyền tìm kiếm lợi ích.

Địa chỉ này không chỉ là nơi để quan chức có phận sự “cai quản” được doanh nghiệp cung phụng một phần lợi nhuận, mà đây còn là nơi các cán bộ, công chức khác cũng tìm cách để có tý lợi lộc từ giá trị sinh lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Vì thế, ngoài đối tượng cần phải lo lót còn có một lực lượng hàng ngàn người thường xuyên theo sát quá trình triển khai các dự án của Mường Thanh, với mong muốn xin được ông Thản cho một vài suất giá gốc để chuyển nhượng lại kiếm chênh lệch.

Trong đó có cán bộ, công chức, viên chức xin mua giá gốc mỗi khi Mường Thanh ra hàng ki ốt, căn hộ chung cư, đất biệt thự, liền kề với số lượng không nhỏ.

Dư luận về vi phạm

Bài toán mà tập đoàn Mường Thanh thường xuyên phải tìm cách giải phù hợp chính là ra được sản phẩm giá rẻ để phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp.

Đồng thời bảo đảm các chi phí quan hệ như nêu ở trên mà vẫn có lợi nhuận, có thêm tích lũy để phát triển. Cách giải của bài toán này chính là xây vượt tầng, tăng mật độ xây dựng.

Nếu không làm thế, không thể có nhà giá rẻ, không thể có tiền trang trải các chi phí.

Nói như trên là thực tế sự thật khách quan những gì đã diễn ra và đang diễn ra tại tập đoàn Mường Thanh. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại cho rằng nói vậy là ngụy biện, đỗ lỗi cho thể chế, cơ chế, bào chữa cho người vi phạm.

Hệ lụy của vi phạm rất phức tạp, khó giải quyết dứt điểm. Ngược lại, có nhiều người lại nghĩ dân nghèo nước mình còn nhiều, nhu cầu nhà ở giá rẻ là rất lớn.

Ông Lê Thanh Thản đã làm được việc lớn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp chưa thể đáp ứng được.

Hàng vạn người nghèo có nhà ở từ các dự án mua lại của tập đoàn Mường Thanh. Dự án nhà ở xã hội được ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, còn nhà giá rẻ do Mường Thanh xây thì chẳng được ưu đãi gì.

Vượt tầng, sai phép có phải trách nhiệm của riêng chủ đầu tư?

Dự án của Mường Thanh hầu hết đi mua lại, giá nhà lại thấp hơn các dự án nhà ở xã hội. Mường Thanh không xây vượt tầng, lấy đâu để có nhà giá rẻ.

Đây là một nghịch lý, lẽ ra tập đoàn Mường Thanh cũng được hưởng những ưu đãi khi doanh nghiệp này đã làm thay chức năng của các dự án bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp. Xét về góc độ an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo, công lao của tập đoàn Mường Thanh không phải là nhỏ.

Có nhiều người cho rằng, cũng tại cơ quan nhà nước cả. Ở nước mình xây dựng trái phép tràn lan, người muốn xây không phép, sai phép cứ “làm luật” là xong. Xây xong rồi lập biên bản “ phạt cho tồn tại” là ổn.

Vậy nên, Mường Thanh cũng chủ quan như bao trường hợp khác, cứ xây, rồi phạt, rồi xây, sau rồi đâu cũng vào đấy. Chẳng có cơ quan nào đuổi được hàng vạn người dân đang sống trong các căn hộ chung cư giá rẻ của Mường Thanh xây.

Có nhiều người lại nhìn nhận vấn đề sâu hơn, họ cho rằng bất cập ở đây là từ chính sách, từ cung cách quản lý trật tự xây dựng của chính quyền.

Lẽ ra khi phê duyệt dự án yêu cầu chủ đầu tư báo cáo phương án tài chính. Nếu phương án tài chính không bảo đảm, có nguy cơ chủ đầu tư phải vi phạm, thì có thể cho phép xây dựng nhiều tầng hơn, trừ những vị trí không được xây cao.

Tại sao ở Hà Nội có những Toà nhà hơn 70 tầng, mà nhà cho người nghèo lại bị hạn chế chiều cao?

Xét cho cùng bài toán kinh tế là bài toán gốc của hoạt động sản xuất kinh doanh. Giải được bài toán kinh tế ngay từ đầu thì các dự án của Mương Thanh không kéo theo các hệ lụy phức tạp như hiện nay.

Khi phương án tài chính có sự tham gia của các cơ quan chức năng thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án, sau đó mới cấp phép được xây bao nhiêu tầng thì câu chuyện ở Mường Thanh hôm nay lại khác.

Nếu phương án tài chính đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhuận mà vẫn xây vượt tầng, xây sai quy hoạch, cơ quan chức năng có biện pháp rắn ngăn chặn ngay từ đầu thì làm gì có chuyện ông chủ tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố.

Còn việc xây dựng sai phép của Mường Thanh ở nhiều nơi đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người dân. Sự hoàn thành trách nhiệm về thủ tục pháp lý của chủ đầu tư với người dân mua nhà có sự đồng hành của cơ quan chức năng.

Dù có thể xây dựng sai phép, nhưng người dân đã có sổ đỏ. Chính quyền cần tôn trọng và coi sổ đỏ của người mua nhà là hợp pháp. Trong nội tình của mối quan hệ hành chính những dự án thi công sai phép giữa chủ đầu tư và cơ quan công quyền để mọc lên các toà chung cư và đưa vào sử dụng, người mua nhà không có lỗi gì.

Nhà nước không thể để hàng vạn người không có lỗi, bỏ tiền ra mua nhà rồi phải hứng chịu thiệt hại về mặt pháp lý sở hữu bất động sản.

Nguồn: Nguyễn Hoà Văn/Tầm nhìn

Bài liên quan

Hồ Thanh Hà – Hồ sinh thái khu đô thị lớn nhất Quận Hà Đông

Bất động sản Đại Long

Thi công vườn hoa B2.3 Thanh Hà mới nhất phần 2

Bất động sản Đại Long

Khu đô thị Thanh Hà có đơn vị cung cấp nước sạch mới từ ngày 25/03/2024.

Bất động sản Đại Long