18.6 C
Thành phố New York
Tháng Chín 17, 2024
Tin Đại LongTin thời sự

Bài 3: Vượt qua nỗi đau

Ông Lê Thanh Thản chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố về tội “lừa dối khách hàng”.

Mặc dù không biết căn cứ khởi tố của cơ quan điều tra, nhưng dư luận hướng vào một số dự án nhà ở của Mường Thanh, người mua đã nhận bàn giao nhà mấy năm rồi mà vẫn không được cấp sổ đỏ. Đây là dấu hiệu để cơ quan điều tra tiến hành khởi tố chủ doanh nghiệp với tội danh nói trên.  

Có thể kết luận điều tra, ông Lê Thanh Thản có tội hay không, nếu có tội thì vẫn bị truy tố theo tội danh như khởi tố hay chuyển sang tội danh khác, điều đó phụ thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng. Ở đây người viết không bàn sâu, không thể luận tội, định tội thay cơ quan điều tra và viện kiểm sát, mà chỉ muốn nói đôi điều về yêu cầu chính trị khi điều tra, truy tố, xét xử các chủ doanh nghiệp tư nhân trong thời điểm hiện nay.

Trước hết phải nói đến nỗi đau có nhiều cay đắng của tập đoàn Mường Thanh khi xảy ra sự cố pháp lý. Ở nỗi đau này không nằm ở chỗ cá nhân ông chủ tập đoàn bị khởi tố. Mà đây là nổi đau của một tập đoàn đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có tín nhiệm với khách hàng, mà phải chịu sự vùi dập của “bão tố” truyền thông với một từ khoá trên mạng intenet: “lừa dối khách hàng”.

Do vậy, hình ảnh sáng của một tập đoàn kinh tế, mặc dù có vi phạm pháp luật nhưng đang bị che khuất bởi “bóng mây quyền lực” và nhiều hệ lụy đi cùng sẽ còn nhức nhối. Đây cũng chính là nỗi đau của cả một chế độ đang nêu cao tư tưởng “xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo” phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cũng là nổi đau của Đảng trong khi đề cao vai trò và khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

Không để Mường Thanh thiệt hại lớn do “ sự cố “ pháp lý

Từ những phân tích, nhìn nhận như trong hai bài viết ở trên, để kinh tế tư nhân phát triển theo chủ trương của Đảng, đường lối xử lý các sai phạm của tập đoàn Mường Thanh cần phải có quan điểm nhất quán.

Sai thì phải sửa, vi phạm pháp luật thì phải xử lý. Nhưng xử lý như thế nào để sửa được sai, vừa thấu tình, hợp lòng dân, vừa đúng pháp luật, vừa không ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển mới là yêu cầu chính trị mà các cơ quan tư pháp tiến hành tố tụng vụ án phải cân nhắc, suy nghĩ.

Muốn thấu tình, đạt lý, hợp lòng dân, bảo đảm công minh của pháp luật, trong vụ án này cần phải xử lý cả những cán bộ, công chức đã “đồng hành” với sai phạm. Mặt khác cũng phải thấy, những sai phạm ở đây có nguyên nhân gốc rễ từ bất cập của thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách của nhà nước.

Trong khi những tổn hại do sai phạm tại tập đoàn này gây ra cũng không là gì so với tổn hại do sai phạm của một số “ông lớn” khác. Gần đây, qua nhiều vụ án, điều dễ nhận thấy là có những doanh nghiệp đã làm thất thoát lãng phí một số lượng “khủng” tài sản công, tài nguyên và giá trị sinh lợi của tài nguyên.

Bên cạnh bảo đảm tính công minh, công bằng của pháp luật, cần phải đặc biệt chú ý đến yêu cầu nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong điều tra, truy tố xét xử sai phạm của Mường Thanh.

Một tập đoàn kinh tế đang nắm giữ một khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, quản lý hơn 27 ngàn người lao động, hàng năm nộp thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ. Hiện tập đoàn đang triển khai nhiều dự án bất động sản trên nhiều vùng miền đất nước. Các dự án đang triển khai đã sửa các sai phạm trước đây. Có những dự án lớn, như dự án Thanh Hà, Mường Thanh mua lại của Cenco 5, với giá 3500 tỷ đồng.

Mới chỉ hơn ba năm tiếp nhận, triển khai xây dựng mà hình hài của khu đô thị và sản phẩm cụ thể tại Thanh Hà đã nổi bật trên thị trường bất động sản. Mường Thanh đã dốc vào đây hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện thắp sáng, hệ thống dẫn nước, cây xanh, hồ nước, trường học, công viên… Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội, có hàng chục dự án bất động sản của các chủ đầu tư khác, vì thiếu vốn, thiếu cơ sở pháp lý, thiếu khách hàng… đã đình trệ nhiều năm, có những dự án đình trệ trên chục năm không xây dựng tiếp được. Thực trạng này đã lảng phí một nguồn lực không nhỏ và kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, trật tự trị an… của Thủ đô.

Nói như vậy không phải để bào chữa cho những sai phạm của Mường Thanh, mà Đảng và Nhà nước cần bảo vệ, nâng đỡ những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong một nền kinh tế đang có nhiều doanh nghiệp thua lỗ, đổ bể.

Vượt qua nỗi đau

Trước hết cần xem việc khởi tố một chủ doanh nghiệp dù đó là ai thì cũng là chuyện bình thường trong mối quan hệ giữa công dân và pháp luật. Vì thế không nên có tâm lý nặng nề về “sự cố” pháp lý đã xẩy ra đối với ông Lê Thanh Thản. Việc cần phải làm của các cơ quan chức năng của nhà nước là đừng để chuyện bình thường nói trên trở thành câu chuyện “đánh” doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phải gánh chịu thêm những khó khăn, rủi ro.

Đừng vì một lý do nào đó, như từ động cơ cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp bất động sản khác, hay phải bảo vệ lợi ích nhóm… mà biến việc xử lý sai phạm ở đây trở thành chuyện vùi dập doanh nghiệp. Cần phải làm cho dư luận xã hội hiểu thực chất, bản chất của những sai phạm của Mường Thanh, không suy diễn, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đẩy câu chuyện nóng lên, thiếu tính xây dựng.

Còn đối với bản thân tập đoàn Mường Thanh, hơn lúc nào hết phải vững vàng trước “sóng gió “ của thời cuộc, có các biện pháp ổn định tư tưởng, tâm lý của người lao động, khách hàng, tiến hành mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường như lâu nay. Mặc dù qua sự cố pháp lý, thương hiệu của tập đoàn cũng có chút chao đảo, nhưng “sau sấm sét thì trời đổ mưa, sau mưa trời lại nắng” quy luật đó luôn tạo thêm nghị lực, tâm huyết để Mường Thanh lấy lại phong độ và vững bước đi lên.

Nếu ai đã được chứng kiến cảnh giao nhận nhà tấp nập tại các chung cư vừa mới xây xong trong khu đô thị Thanh Hà, cảnh chen chúc khi giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất biệt thự, liền kề tại Ban quản lý dự án sau khi người chủ dự án bị khởi tố, mới hiểu được và có niềm tin: Tập đoàn Mường Thanh sẽ có thêm những trải nghiệm, những kinh nghiệm máu xương để vững bước theo con đường đã chọn. Thương hiệu Mường Thanh vẫn là thương hiệu lớn, thương hiệu mạnh trong nền kinh tế đất nước.

Để niềm tin nói trên được cũng cố vững chắc, hơn ai hết các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan cần có thái độ thiện chí giúp tập đoàn Mường Thanh vượt qua nỗi đau.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay của việc xử lý sai phạm tại tập đoàn Mường Thanh không chỉ là ở chỗ truy cứu trách nhiệm những cán bộ, công chức đã tiếp sức cho Mường Thanh sai phạm, mà chính là làm sao để người mua nhà của tập đoàn Mường Thanh ở những phần diện tích vượt tầng, chuyển đổi công năng sử dụng chưa được cấp sổ đỏ sẽ được cấp, được cấp rồi thì không bị thu hồi.

Có một thực tế là những dự án tập đoàn Mường Thanh xây vượt tầng, những tầng xây vượt không thể đập bỏ vì đã có người ở, dường như không còn căn hộ trống. Mặt khác những tầng cao xây vượt không ảnh hưởng gì đến Quốc phòng, An ninh, thì việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật bằng cách đập bỏ diện tích xây vượt cũng không còn cần thiết, vì pháp luật cũng hướng tới mục đích của đời sống. Còn chỗ thay đổi công năng sử dụng cũng vậy, không thể và không nên đập phá để chuyển trở lại công năng sử dụng theo nội dung dự án được duyệt.

Và cũng có một thực tế nữa là trong quy định của pháp luật, quy định các trường hợp không được cấp sổ đỏ, hoặc thu hồi sổ đỏ đã được cấp là những quy định không phù hợp, có nhiều bất cập, nhiều quy định đã lạc hậu so với thực tiễn. Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, là chuyên gia hàng đầu về bất động sản cho rằng: Qui định của nước ta không giống các nước trên thế giới.

“Các nước khác quy định cấp sai thì phải chịu. Mỗi Việt Nam quy định thu hồi lại được”. Vậy vấn đề đặt ra là để xử lý triệt để các sai phạm của Mường Thanh và nhiều nơi khác có sai phạm tương tự, các cơ quan chức năng cần phải có những hiến kế các giải pháp khắc phục hậu quả, không quá phụ thuộc các quy định đã lỗi thời. Đảng, nhà nước cần phải có chủ trương cụ thể. Đừng để sau khi vụ án đã được xử lý xong theo trình tự thủ tục tố tụng thì bất ổn của doanh nghiệp và khách hàng vẫn còn, chưa được nhà nước quan tâm hoá giải.

Có người cho rằng mặc dù ông Lê Thanh Thản bị khởi tố, nhưng không thể xử lý triệt để hậu quả do sai phạm của Mường Thanh gây ra. Tuy nhiên, nếu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thành ủy Hà Nội quan tâm chỉ đạo thì không có gì khó cả. Trước hết, không thể để người dân mua nhà phải chịu thiệt hại khi họ thực hiện quyền giao dịch dân sự thuận mua vừa bán.

Theo quy định của pháp luật thì người mua nhà nằm trong phần diện tích sai phạm không được cấp sổ đỏ. Thiết nghĩ, trong chế định pháp luật cụ thể này, việc làm trái nó cũng chẳng ảnh hưởng xấu gì cho xã hội. Có khi việc cấp sổ đỏ không đúng quy định như nhiều trường hợp đã cấp thuộc dự án của tập đoàn Mường Thanh lại có tác động tích cực đến sự ổn định của doanh nghiệp cung cấp nhà ở và đời sống của người mua nhà.

Vì vậy, khi đã xử lý xong sai phạm của chủ đầu tư thì việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà trong phần diện tích vi phạm là cần thiết, là tích cực. Cũng vì thế mà những người đã được cấp sổ đỏ sai quy định cũng không nên thu hồi nữa. Đồng thời những người mua nhà chưa được cấp sổ đỏ cơ quan chức năng cần tạo điều kiện tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ.

Ở đây còn có một vấn đề nữa cũng cần phải xử lý dứt điểm. Đó là khi xây vượt tầng thì về mặt kỷ thuật kết cấu phần móng của các toà nhà vượt tầng cho phép cũng được chủ đầu tư xử lý phù hợp với số tầng của các toà nhà. Nhưng trong nội dung dự án được duyệt khác với thực tế xây dựng. Việc xử lý sai phạm này, tốt nhất là chủ đầu tư cam kết, trong phạm vi tuổi thọ trung bình của các toà nhà chung cư, nếu có sự cố kỹ thuật, như nghiêng lún, nứt móng, nứt tường… thì chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm cả về hình sự và dân sự.

Việc xử phạt chủ đầu tư sai phạm bằng tiền là cần thiết. Nhưng mức phạt như thế nào cho phù hợp cũng phải được các cơ quan chức năng tính toán kỹ. Vì như đã phân tích ở trên, tập đoàn Mường Thanh đã làm thay chức năng các dự án nhà ở xã hội, nhưng chẳng được ưu đãi gì. Nếu họ phải chịu một mức phạt quá sức chịu đựng, thì việc bảo đảm nhu cầu về nhà ở trong phân khúc thị trường nhà giá rẻ gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp cũng không thể vượt qua nỗi đau như mong muốn.

Xử như thế nào, phạt như thế nào đối với sai phạm của tập đoàn Mường Thanh là chuyện của cơ quan nhà nước có chức năng, thẩm quyền. Nếu xử phạt có lý, có tình, đa số người dân đồng tình thì các yêu cầu chính trị, pháp lý sẽ được bảo đảm. Theo đó, bên bị phạt sẽ tìm cách thực hiện nghiêm nội dung xử phạt, nỗ lực phấn đấu khắc phục hậu quả vì cuộc sống cộng đồng và kỷ cương phép nước. Bên ra quyết định xử phạt cũng thấy trách nhiệm của mình đã góp phần hoá giải được bài toán khó.

Được biết, trên hướng đi đúng của mình, Mường Thanh đang sử dụng một lực lượng lao động có chất lượng, nhiều vị trí có trình độ cao, đồng thời công tác quản trị doanh nghiệp của Mường Thanh rất khoa học và chặt chẽ, đây là những lợi thế để Mường Thanh phát triển. Tuy nhiên trong làm ăn trên thương trường nhiều biến động, doanh nghiệp còn phụ thuộc vào sự may rủi.

Vì thế, sau khi gặp sự cố pháp lý, Mường Thanh rất cần sự giúp đỡ của chính quyền, hiểu đúng của cộng đồng xã hội, để loại bỏ các nguy cơ phải đối mặt với rủi ro của tập đoàn kinh tế danh tiếng này.

Nguồn: Nguyễn Hoà Văn/ báo Tầm nhìn

Bài liên quan

Thông báo khởi công xây dựng công trình nhà ở thấp tầng dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco 5

Bất động sản Đại Long

Thông báo nôp tiền xây thô đợt 2 nhà ở khu đô thị Thanh Hà.

Bất động sản Đại Long

Tiến độ thi công đường trục phía Nam Cienco 5 Mường Thanh phần 7

Bất động sản Đại Long