-10.4 C
Thành phố New York
Tháng Một 22, 2025
Tin Đại LongTin thời sự

Bài 2: Sức sống khác biệt của tập đoàn ngàn tỷ Mường Thanh

Trong thời kỳ đổi mới, nước ta xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mà ông chủ các tập đoàn này đều là những nhân vật được xã hội nể trọng. Thương hiệu của tập đoàn gắn liền với tên tuổi của họ. Mặc dù các ông chủ các doanh nghiệp lớn của nhà nước có thể quản lý số lượng vốn hàng ngàn tỷ nhưng tiếng tăm thì không như các ông chủ của các doanh nghiệp tư nhân.

Những Phạm Nhật Vượng (VinGroop) Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát) Lê Thanh Thản (Mường Thanh) Thái Hương (TH) Hồ Minh Hoàng (Đèo Cả) Trịnh Văn Quyết (FLC) Trịnh Đình Long (Hoà Phát) Lê Viết Hải ( Hoà Bình) Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet) Nguyễn Đức Tài (Thế Giới Di Động) Trương Gia Bình (FPT)… họ là những doanh nhân hàng đầu, đi tiên phong trong nền kinh tế thị trường.

Doanh nghiệp tư nhân của những tên tuổi lớn nêu trên đang có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước. Sự thành công của họ là thực tiễn sinh động, không chỉ minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần, mà còn giúp Đảng ta tổng kết kinh nghiệm trong quá trình đổi mới, để có những điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế đất nước phù hợp.

Trong quá trình phát triển đi lên của các doanh nghiệp lớn, những yếu tố như ưu thế về ngành nghề, chất lượng nhân lực, công tác quản trị và sự may mắn là những yếu tố quan trọng quyết định thành công. Tuy nhiên ở nước ta, sự phát triển của các doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố nêu trên. Nhiều doanh nghiệp lớn lên còn nhờ vào mối quan hệ với quan chức có quyền lực. Vì thế, mà sự tỏa sáng của nhiều doanh nghiệp ở nước ta thường có thêm những góc khuất, những khoảng tối do những bất cập của pháp luật, ý chí chủ quan của chủ doanh nghiệp và của cán bộ, công chức cơ quan chức năng tạo nên.

Trong danh sách những tập đoàn lớn kể trên, cũng có những doanh nghiệp , những phần công việc làm ăn minh bạch, tử tế, đúng pháp luật. Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp, những phần công việc lún sâu vào “lợi ích nhóm”, thậm chí có doanh nghiệp, có phần công việc còn là sân sau của quan chức có quyền lực. Doanh nghiệp tự hào với những gì mà họ đã tạo ra cho xã hội, nhưng cũng hổ danh khi chính họ là một nguyên nhân gây ra những bức xúc, bất ổn trong nhân dân. Nhất là những doanh nghiệp liên quan đến đất đai, quy hoạch.

Câu chuyện bất cập, bất ổn liên quan đến doanh nghiệp là câu chuyện dài mà Đảng ta đang tìm cách hoá giải để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng hiện nay có những doanh nghiệp, tưởng chừng không có chuyện gì lớn, nhưng lại lớn nhanh như Thánh Gióng mà không xác định được nguyên nhân cụ thể. Chỉ nhận định là những doanh nghiệp như thế đều có chống lưng hoặc được làm sân sau của quan chức trong nhiều dự án béo bở. Tuy nhiên, trở lại chân dung của các “ông lớn” nêu trên, thì ảnh hưởng của họ trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vẫn là vấn đề cơ bản, cần phải được bảo vệ và phát huy.

Đề cập đến sức sống của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở nước ta, trong đó có những tập đoàn có những nét nổi bật, nổi trội và khác biệt. Tập đoàn Mường Thanh cũng có nhiều nổi trội và khác biệt.

Sức sống khác biệt của Mường Thanh

Nói đến Mường Thanh trước hết phải nói đến ông chủ tập đoàn Lê Thanh Thản. Ông không chỉ là một doanh nhân mà là một nhân vật của giới truyền thông. Báo chí, mạng xã hội viết về ông nhiều. Nhưng sự khác biệt của ông với nhiều doanh nhân khác chính là biệt danh: “Đại gia điếu cày”. Sản phẩm chính, cung cấp cho nhu cầu đời sống mà ông lựa chọn là nhà giá rẻ. Đây cũng là điểm khác biệt tạo nên thương hiệu Mường Thanh. Trên thị trường bất động sản phân khúc nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp chủ yếu là căn hộ chung cư do Mường Thanh xây và các dự án nhà ở xã hội do chính quyền cấp đất, cấp phép.

Nhờ tạo ra được sản phẩm phù hợp với túi tiền của người nghèo, người có thu nhập thấp mà Lê Thanh Thản đã dành được cảm tình của người dân lao động. Có thể nói, hàng chục vạn căn hộ Mường Thanh bán cho người dân, tương ứng với hàng triệu niềm vui của công chức, viên chức, công nhân, nông dân, học sinh biết đến Mường Thanh, biết ơn bác Thản.

Phần đa những người mua nhà do tập đoàn Mường Thanh cung cấp, họ vẫn biết ông Thản xây vượt tầng, xây sai quy hoạch. Nhưng chỉ rất ít người trong số họ lên án ông Thản sai phạm. Vì nếu không có nhà giá rẻ thì cơ hội sớm có một căn hộ chung cư để tạo lập ổn định cuộc sống của những gia đình nghèo, gia đình trẻ là rất khó. Trong khi mua căn hộ ở các dự án nhà ở xã hội phải đủ tiêu chuẩn, phải được xét duyệt, chạy thủ tục cũng đã thấy phiền, nhưng giá so với chung cư của Mường Thanh thì không rẻ hơn.

Nói lại những chuyện trên đây về ông chủ tập đoàn Mường Thanh để thấy rằng lòng dân cũng có những trắc ẩn. Có trường hợp khi bị vướng vào vòng lao lý, công luận như “đổ thêm dầu vào lửa” và thói đời “dậu đổ bìm leo” lại có cơ hội trỗi dậy. Có trường hợp lại ngược lại. Chuyện vi phạm pháp luật là chuyện của công dân với những quy định của nhà nước, còn chuyện đạo lý lại là chuyện nhân văn của một dân tộc ngàn năm văn hiến.

Nhiều khi chuyện pháp luật và đạo lý thống nhất với nhau làm một, và đôi khi lại lệch pha, hoặc trái chiều nhau. Trường hợp ông Lê Thanh Thản vi phạm pháp luật có hệ thống, trong một thời gian dài, nhưng đa số người dân vẫn quý trọng ông, vẫn muốn báo vệ ông, họ đòi hỏi cần truy cứu trách nhiệm cả những ai “bật đèn xanh” tiếp sức cho ông Lê Thanh Thản vi phạm. Thậm chí rất nhiều người thể hiện chính kiến của mình trên mạng xã hội đòi xử lý cán bộ cơ quan chức năng nặng hơn xử lý ông Lê Thanh Thản.

Cũng không phải không có lý khi công luận hướng vào công chức chính quyền trong một vụ án mà người bị khởi tố là ông chủ của một tập đoàn kinh tế tư nhân. Có rất nhiều người chẳng được hưởng lợi lộc, ân huệ gì của Mường Thanh, nhưng họ vẫn quan tâm “sự cố” pháp lý đã xảy ra ở đây và có sự so sánh giữa Mường Thanh với tập đoàn kinh tế khác.

Theo họ, Mường Thanh có thể có người “chống lưng” nhưng rõ ràng Mường Thanh chẳng phải là sân sau của quan chức có quyền lực. Sự “ chống lưng “ ở đây nếu có thì cũng từ túi tiền của Mường Thanh tạo lập nên mối quan hệ. Mối quan hệ ở Mường Thanh với người gọi là “chống lưng” khác với các mối quan hệ đưa, nhận hối lộ, mua bán, chung chi như một số doanh nghiệp khác. Mà ở đây bằng tình cảm là chính. Mường Thanh ăn nên làm ra, cũng muốn mở mang quan hệ. Một số lảnh đạo cấp cao cũng quan tâm đến Mường Thanh, muốn động viên khích lệ Mường Thanh phát huy thành quả đạt được.

Từ nguyện vọng, mong muốn của Mường Thanh và tình cảm của một số vị lãnh đạo Trung ương, địa phương đã tạo thêm cho tập đoàn này có thêm những thuận lợi. Chuyện Mường Thanh sai phạm làm cho dư luận xã hội có sự liên hệ, liên tưởng với sự “chống lưng” cũng là chuyện bình thường, vì vi phạm thời gian dài không được giải quyết dứt điểm. Nhưng chắc chắn sự tình bên trong về quan hệ với quan chức thì Mường Thanh khác với nhiều doanh nghiệp khác.

Dư luận cũng đồng tình với nhận định Mường Thanh không phải là sân sau của quan chức có quyền lực. Vì hầu hết các dự án bất động sản Mường Thanh đều mua lại. Có những dự án chủ đầu tư cũ triển khai gặp nhiều khó khăn nên đã bán cho Mường Thanh. Mường Thanh không hưởng được lợi gì từ ngân sách nhà nước, tài sản công và cũng không tham gia đấu thầu, hoặc chạy xin các dự án “đổi đất lấy hạ tầng “ như một số doanh nghiệp khác.

Do vậy, lợi ích nhóm trong quan hệ làm ăn của Mường Thanh chỉ là những lợi ích của cán bộ, công chức trong cơ quan chức năng đã “bật đèn xanh” hoặc “đồng hành “ với việc xây vượt tầng, xây sai quy hoạch của tập đoàn này. Có nghĩa là Mường Thanh không có nhập cuộc sâu vào “sân chơi” mà ở đó quan chức nhà nước cùng với chủ doanh nghiệp “làm xiếc” để những dự án quyết toán nghìn tỷ mà giá trị thực của nó chỉ là mấy trăm tỷ.

Có một điều đặc biệt ở Mường Thanh là dự án nào cũng đảm bảo tiến độ. Điều này chứng tỏ Mường Thanh không thiếu vốn sản xuất như nhiều “ông lớn” khác. Kể cả những tập đoàn nắm giữ một khối tài sản có giá trị rất nhiều tỷ đô thì nguồn vốn tín dụng vẫn là nguồn vốn chính để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Còn ở Mường Thanh, không những là không phải vay ngân hàng mà còn có tiền nhàn rổi để gửi ngân hàng. Chẳng thế mà có đồng chí lảnh đạo đến thăm, chứng kiến về tiến độ dự án do Mường Thanh là chủ đầu tư đã ghi nhận về tiềm lực tài chính của doanh nghiệp này.

Sức sống khác biệt của Mường Thanh còn thể hiện hiệu quả trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn. Tính đến nay Mường Thanh đã có một chuỗi gồm 60 khách sạn. Khách sạn nào cũng tương đương với tiêu chí khách sạn 5 sao. Vì thế mà tháng 4/2019, trong chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 37, Tập đoàn Mường Thanh lên nhận bằng chứng nhận kỷ lục “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương” từ Tổ chức Kỷ lục Đông Dương.

Nguồn: Nguyễn Hoà Văn/ báo Tầm nhìn

Bài liên quan

Hà Nội đưa ra lộ trình tái triển khai KĐT Thanh Hà – Cienco 5

Bất động sản Đại Long

Mẫu nhà liền kề khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 Mường Thanh phân khu B1.1

Bất động sản Đại Long

Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 sắp xây dựng trở lại

Bất động sản Đại Long